Bộ công thương đề nghị tạm ngừng đánh thuế môi trường túi Ni Lông
(TBKTSG Online) – Bộ Công Thương vừa đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tạm ngừng áp dụng Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, sau một thời gian triển khai chính sách thuế BVMT, bộ đã nhận nhiều ý kiến của các hiệp hội, ngành và nhiều doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong quá trình sản xuất và sử dụng bao bì nhựa khi thực hiện luật.
Đánh giá kết quả xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2012, Bộ Công Thương cũng khẳng định Luật thuế BVMT đối với túi ni lông chưa hợp lý và chưa thống nhất đã gây khó khăn, trở ngại và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Về đối tượng chịu thuế, Bộ Công Thương cho rằng định nghĩa túi ni lông thuộc diện chịu thuế BVMT chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp băn khoăn không biết sản phẩm của mình hoặc nguyên phụ liệu của mình sử dụng có thuộc diện chịu thuế hay không (túi siêu thị, bao bì đóng sẵn, bao bì cho hàng xuất khẩu, bao bì cho hàng nhập khẩu …).
Tiêu chuẩn đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, túi ni lông thân thiện môi trường chưa được quy định nên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan thuế trong việc tính thuế.
Về mức thuế, Bộ Công Thương cho rằng việc áp mức thuế không có lộ trình, chưa quy định cụ thể mức thuế đối với các loại sản phẩm túi ni lông khác nhau, khiến các doanh nghiệp rất khó khăn, lúng túng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với những khó khăn trên của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung hướng dẫn cụ thể những quy định để làm rõ loại túi thuộc diện chịu thuế, định nghĩa bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, quy định tiêu chuẩn đối với túi ni lông chịu thuế, túi thân thiện môi trường …
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), thiệt hại ban đầu của doanh nghiệp nhựa ngay trong tháng đầu tiên (tháng 1-2012) áp dụng thuế môi trường là sản lượng và doanh thu giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo 20% lượng công nhân phải nghỉ do giảm sản lượng.
VPA cho rằng mức thuế 40.000 đồng/kg đánh trực tiếp lên mỗi kg sản phẩm bao bì nhựa không được khách hàng tiêu thụ chấp nhận vì đội giá sản phẩm lên cao.